Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

Ô nhiễm nơi sản xuất bột cá ở Nghệ An

Hiện nay huyện Quỳnh Lưu có 3 cơ sở sản xuất, chế biến bột cá ở các xã Ngọc Sơn, Quỳnh Yên và Quỳnh Minh đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các loại mùi bốc ra từ các đơn vị sản xuất dường như không thể kiểm soát được. Có nhiều thứ mùi hôi thối, tanh tưởi và nồng nặc lan khắp không gian, làm cho những khu dân cư bị ảnh hưởng tràn lan mùi ngai ngái như đang hút bể phốt.

Việc xả thải ảnh hưởng đến những nguồn nước sinh hoạt của người dân địa phương. 
 Ô nhiễm nghiêm trọng là điều dễ hiểu bởi hầu hết các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này đều được xây dựng từ nhiều năm trước, công nghệ khá cũ kỹ, lạc hậu; hơn nữa một nguyên nhân khác có vai trò quyết định, đó là chủ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến bột cá chưa thực sự chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường mà chỉ chú trọng đến lợi nhuận trong quá trình sản xuất, kinh doanh; thậm chí nhiều đơn vị sẵn sàng chấp nhận bị phạt khi vi phạm vấn đề môi trường chứ không chịu đầu tư công nghệ để xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường mà đơn vị của mình gây ra.

Cũng phải thừa nhận thêm một thực tế rằng, chế tài đối với các hành vi gây ô nhiễm của ngành chức năng chưa kịp thời, chưa đủ sức răn đe cũng là một nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa thật sự mặn mà với việc bảo vệ môi trường. Cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường còn thấp kém, hầu hết các huyện chưa quy hoạch được các khu công nghiệp tập trung. Qua tìm hiểu, hầu hết các cơ sở chế biến thủy sản đều vi phạm quy định về việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải, lập đề án và xin giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, thực hiện chương trình giám sát môi trường, công tác nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.

Người dân sinh sống gần khu vực sản xuất thường xuyên phải chịu đựng việc cống rãnh không được thông tắc, nước thường xuyên bị ứ đọng. Nhiều hôm, mùi còn phát ra nồng nặc làm cho họ không ăn nổi bữa cơm. Tình hình ô nhiễm còn nặng nề và tiếp tục kéo dài sẽ làm cho người dân hoang mang và có thể bị nhiễm các căn bệnh đe dọa đến sức khỏe.


Để có thể vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường thì chính quyền cần phải chặt chẽ hơn nữa trong việc quản lý. Đặc biệt, người dân phải nâng cao trách nhiệm của mình trong công cuộc bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống. Chúng ta có thể thấy, sản xuất phải kết hợp với bảo vệ môi trường thì mới có thể phát triển bền vững và đưa đất nước tiến xa hơn trong tương lai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét